Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

VĂN CHƯƠNG TRONG LỐI HÁT Ả ĐÀO - PHẠM QUỲNH

VĂN CHƯƠNG TRONG LỐI HÁT Ả ĐÀO(1)

PHẠM QUỲNH(*)

Thưa các ngài
Tôi chầu không biết đánh, đàn không biết gẩy, lên xuống các "xóm" cũng ít, quen biết "chị em" không nhiều, vậy mà dám diễn thuyết về lối hát ả đào, thật không khỏi mua lấy tiếng chê cười của các khách "làng chơi", các tay sành nghệ. Vậy tôi cũng xin các ngài khoan dung mà miễn chấp cho tôi tuy không phải là "tay chơi" mà lạm bình về nghề chơi.
Nhưng mà dù tránh được tiếng chê của các khách phong lưu thời lại phải chịu búa rìu của các nhà đạo đức - Các ngài tất lấy lời nghiêm mà mắng rằng: "Ồ hay! lúc này giữa là lúc phong hóa suy đồi, các anh đáng phải nên gia công mà vãn hồi lấy đạo đức, nay lại cổ động những cách hát xướng ăn chơi, đề huề với bọn xướng ca vô loại, các anh thật là danh giáo chi tội nhân!"
Nếu quả hư thân mất nết như thế, thời các ngài mắng cũng xin chịu. Nhưng hẵng xin.
Rẽ cho thưa một đôi lời đã nao!
Hẵng xin cho giải nghĩa chữ chơi là thế nào.
Chơi cũng có năm bảy đường. Có cách chơi nhã, có cách chơi tục, có cách chơi thanh, có cách chơi thô, có cách chơi có nghĩa lý văn chương, có cách chơi bá láp vô vị; có cách chơi đủ di dưỡng tính tình, có cách chơi làm hư hại nhân cách. Chính sự chơi không phải là không hay, vì người ta có làm phải có chơi, có lao lực phải có tiêu khiển, nhưng trong cách chơi hay hay dở, nhã hay tục, thanh hay thô, là ở tự người chơi, ở tự phẩm cách chí thú của người chơi. Người chơi phong nhã cao thượng thời cách chơi cũng cao thượng phong nhã; người chơi nhả nhớt tục tằn thời cách chơi cũng tục tằn nhả nhớt, mà người chơi láu cá ba que thời cách chơi cũng ba que láu cá. "Người sao quả chiêm bao làm vậy", người sao cách ăn chơi cũng vậy.
Cớ sao ngày nay hễ nói đến chuyện ả đào thời các vị phu nhân cau mặt, các nhà đạo đức chau mày? Cớ sao mà các cô đào nương liễu yếu kia, giá sinh trưởng vào các nước văn minh, chỉ vì giọng ca câu hát, có thể nổi danh tài sắc một thì, ở vào nước ta, nhiều khi bị coi như cái quái gở của xã hội? Há phải lỗi tại các cô sao? Há phải lỗi tại lối hát ả đào sao? Hay là chính lỗi tại các quan viên ngày nay không có cái phẩm cách, cái chí thú như quan viên đời xưa, mà để cho một lối chơi rất phong nhã, rất thanh tao biến thành một cuộc dâm bôn, một bàn cớt nhả?
Người kỹ nữ, cổ lai ở nước nào cũng có. Ở nước Tàu và nước ta, vì nam nữ cách biệt nhau quá, người đàn bà không thường ra chỗ giao tế trong xã hội, nên những bậc văn nhân tài tử có cái tưởng phóng khoáng thường phải tìm những nơi ca nhi kỹ nữ để gửi cái khái phong lưu. Sách Khai thiên di sự chép rằng: "Đời nhà Đường ở Trường An có xóm Bình Khang, là chỗ kỹ nữ ở, mỗi năm những ông tiến sĩ mới đỗ đến đấy làm lễ thích cát (nghĩa là cởi áo vải học trò, mặc áo làm ông nghè). Đời bấy giờ gọi chỗ ấy là nơi "phong lưu tẩu trạch". Nước ta tuy không có cái tục ấy, nhưng các bậc văn hay chữ tốt, phong nhã tài tình ngày xưa, đến chơi hát nhà cô đào, cũng lấy đấy làm chỗ "phong lưu tẩu trạch" vậy.
Cổ nhân cho cái thói "áp kỹ" là một cách phong lưu, mà cả cái chơi của cổ nhân cũng là gồm trong hai chữ phong lưu đó. Phong lưu là thế nào? Phong lưu là như nước chảy, như gió qua, như tiếng lá rì rào trên ngọn cây, như nước suối róc rách dưới khe đá; phong lưu là gồm những cái thú êm đềm mát mẻ, khiến cho trong lòng thư thái, trong trí được thảnh thơi, như đứng hóng mát trên bờ sông mà ngắm mảnh nhàn vân trôi theo giòng nước biếc vậy. Trong các thú "phong lưu" thời còn thú gì "phong lưu" bằng ngồi ngắm người đàn bà đẹp mà nghe giọng hát hay? Cái sắc đẹp, cái tiếng hay, trong thế gian còn có gì quý báu bằng? Mà biết thưởng thức hai cái đó, còn có gì cao thượng bằng? Ấy cái chí thú chơi của cổ nhân là thế.
Nay tôi thử hỏi ai là người dám cho cách chơi đó là trái với đạo đức? Dễ chỉ có người nào không biết cảm cái sắc đẹp, cái tiếng hay, không có cái "mĩ đích cảm tình" như trong sách triết học nói, thời mới có cái gan như thế. Nhưng mà một người đến cái giác quan tinh mẫn nhất là cái giác quan về sự đẹp cũng bế tắc như thế, thời lời phán đoán tưởng cũng không có giá trị lắm vậy.
Vậy ta có thể yên tâm mà bàn chuyện hát ả đào, không sợ lời chê của khách phong lưu, cũng không ngại búa rìu của nhà đạo đức. Duy xin nói trước rằng lời bàn đây là bàn về lối hát ả đào hai ba mươi năm về trước, không phải bàn về lối hát ả đào hiện bây giờ, vì không cần phải nói ai cũng biết rằng cách ăn chơi ở nước ta bây giờ cũng như hết thảy các cách khác, đều là đương lúc suy đồi cả, và lại bàn riêng về "Văn chương trong lối hát ả đào", chứ không phải là nói về cái hình thức của người hát, như cách gẩy đàn, cách đánh trống, cách gõ phách, cách chuyển giọng. v.v...
Chủ ý tôi là muốn đem những bài hát hay của các bậc văn sĩ thời xưa đã soạn ra để phổ biến vào đàn ca để phát biểu cái chí thú chơi của các cụ đời xưa, chơi có nghĩa lý, có văn chương, có tinh thần, có khí khái, tuy cũng có khi liều lĩnh đến "phờ cả râu, trớn cả mắt", mà "long cả dải yếm, trụt cả giây lưng(1)" của người ta nhưng bao giờ cũng có cái dư vị hào hùng, là muốn "chơi cho phỉ chí nam nhi", "chơi cho rõ mặt ngang tàng!".
Trước hẵng xét qua về cỗi rễ và thể cách hát ả đào, song cũng là xét phỏng mà thôi, vì sách vở cũ của ta ngày nay không còn lại gì cả, nhất là về âm nhạc, bấy giờ muốn tra cứu không biết rõ dò la ở đâu. Hỏi các ca công kỹ nữ thời hầu hết là người vô học, dẫu có truyền khẩu biết được dăm ba điều, cũng là mập mờ bấp bông, vô sư vô sách, không lấy đâu làm bằng cứ. Thảng hoặc có vài ba quyển sách thời ký tái đã sơ sài, sao lục đã dối dá, lại xuyên tạc phụ họa, biện nan một cách miễn cưỡng, cố đem những cái trù phạm cũ rích của sách Tàu mà ghép vào các thanh âm của ta, như cung Huỳnh là thuộc Cung, hát trai là thuộc Thương, cung Bắc là thuộc Giốc, cung Nam là thuộc Chủy, hát gái là thuộc ; mà Cung là thuộc Thổ, Thương là thuộc Kim, Giốc là thuộc Mộc, Chủy là thuộc Hỏa, là thuộc Thủy, thật là phiền toái mà vô nghĩa lý.
Mà sự khuyết lược ấy không phải mới tự bây giờ, xưa kia, ngay tự đời Lê, cũng đã thế rồi, đủ biết cái tính cẩu thả của giống mình: làm cẩu thả, học cẩu thả, ăn cẩu thả, mà chơi cũng cẩu thả! Cụ Phạm Đình Hổ ở Đan Loan là một nhà dật sĩ về đời Lê mạt, làm sách Vũ trung tùy bút, trong có một thiên nói về "Âm nhạc", kể qua lối đàn hát của ta tự đời Hồng Đức, rồi than rằng đến đời cụ là đời Cảnh Hưng âm nhạc đã thất truyền rồi. Trong các sách cũ của ta, duy có bộ Vũ trung tùy bút đó là nói về âm nhạc còn hơi tường một chút, vậy tôi trích đọc mấy đoạn để các ngài nghe, vì lối hát ả đào chắc cũng là uyên nguyên tự lối âm nhạc cũ của tiền triều vậy.
Trong lịch sử nước ta, có lẽ đời Hồng Đức là đời thịnh trị hơn cả; văn chữ văn nôm đời bấy giờ đều thịnh hành mà âm nhạc cũng hồi ấy mới bắt đầu tổ chức có thể thống. Sách Tùy bút nói rằng:
"Khoảng năm Hồng Đức nhà Lê (tức tây lịch năm 1470) trên có vua Thánh Tông là bậc thông minh, lại có các quan đại thần như là ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh là bậc học vấn bác hợp, làm quan tại triều, mới kê cứu âm nhạc nước Tàu, hiệp vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn thời chuyên tập âm luật, bộ Nhã nhạc thời chuyên chuộng nhân thanh, đều thuộc về quan Thái thường cả. Đến như âm nhạc trong dân gian thời đặt bộ Giáo phường coi giữ, nhã nhạc với tục nhạc không có hỗn tạp với nhau. Song quan không có chuyên chức, điển cố không còn giữ được mấy. Đến năm Quang Hưng (tây lịch năm 1578), vua Lê chỉ là hư vị ngồi suông, bộ Đồng văn và bộ Nhã nhạc chỉ khi nào có lễ tế giao hay là lễ triều hạ gì lớn mới dùng đến, cho nên các con cháu nhà nghề âm nhạc đều thất nghiệp cả, tấu nhạc ở chốn triều miếu thời chỉ là om xòm loạn bậy, không còn thành ra xoang điệu gì. Từ đấy lối tục nhạc ở chốn giáo phường mới thịnh hành, tế giao miếu và lễ triều hạ, cùng là chốn dân gian có vào đám tế thần cũng dùng nhạc ấy cả. Kẻ nhạc công quen tập những tiếng dâm thanh, xoang điệu dần dần biến khác đi hết, so với xoang điệu chép ở bộ Lễ năm Hồng Đức đều không hợp cả. Quan Thái thường thời thiên chuyển đi làm chức khác, bọn giáo phường thời cho kẻ cai đội trông coi, không còn ai sửa lại những chỗ sai lầm được nữa.
"Cũng có người thích chơi âm nhạc, lại phải theo học bọn ca công, bọn ấy đắc chí, chỉ bịa đặt kỳ quái ra để hãi nạt người nghe. Ta thường thấy các con nhà tấn thân thường phải dịu lời hòa sắc, để ton ngót kẻ ca công hèn mạt, cần để học cái giọng hát, bắt trước cái bộ đi đứng của nó, để khoe với chúng bạn, khiến cho những kẻ ôm đàn gõ phách vẫn hầu rượu xưa nay, dám công nhiên nhạo báng cả người trên tiệc hát, nếu không có người chỉnh đốn lại, thời không biết sau này lưu tệ đến thế nào!..."
Xem như lời sách chép đó thời ra trong khoảng một trăm năm, từ đời Hồng Đức đến đời Quang Hưng, âm nhạc nhà Lê đã suy sút rồi, và đến đời cụ Phạm thời thất truyền hẳn, người khảo cứu không biết tra hỏi vào đâu phải cầu đến bọn ca công nhạc công vô học, bọn đó lại càng túng sinh mà làm cho loạn bậy cả. Đời cụ Phạm đã như vậy, về sau lại còn đến thế nào!
Nay âm luật về lối hát cổ thế nào? Sách chép rằng:
"Đại lược âm luật năm Hồng Đức thời có cung hoàng chung, cung nam, cung bắc, đoạn cẩm. Bọn giáo phường bấy giờ cứ theo thói quen gọi lầm cung hoàng chung là cung huỳnh, cung đại thực là đại thạch, dương kiều là kiều dương, hà nam là xà nam. Còn những lối đàn lẩy, hát từng, thét nhạc, đều là mới thêm ra cả. Lúc đọc thơ phú thời chỉ nhặt nhạnh lạp nhạp những câu thơ ngũ ngôn thất ngôn mà đọc, chứ không có thứ tự gì cả...".
"Hát ở trong cung tục gọi là hát cửa quyền, tiếng hát xinh xắn, uốn éo dịu dàng, thanh nhã hơn giọng hát ngoài chốn giáo phường. Nhưng âm luật cũng không khác gì mấy..."
- Lối hát cổ, bọn giáo phường hãy còn truyền được ít nhiều xoang điệu cũ, lại hát xen giọng tân thanh vào. Từ đời Cảnh Hưng trở về trước hãy còn truyền được ít nhiều người hát được; sau đến cuối đời Lê chỉ có ả đào già mới hát được..."
Đây là tác giả nói về cuối đời Lê, nhưng tưởng giá nói về bây giờ cũng không phải là không đúng vậy.
Nói tóm lại thời lối hát cổ của ta ngày xưa có lối nhã nhạc, lối tục nhạc, hay là lối hát cửa quyền và lối hát phường chợ. Lối hát cửa quyền trước có quan chuyên chức, còn có phép tắc nghiêm, sau bỏ mặc thời dần dần pha lẫn cả lối hát phường chợ, sau người tri thức không ai chú ý đến nữa, chỉ có bọn ca công dùng làm kế kiếm ăn, nên lâu ngày loạn bậy cả và không có điển chương gì nữa. Lối hát ả đào ngày nay có lẽ là lối hát cửa quyền của đời Cố Lê suy biến đi, tham tạp các lối phường chợ, mà dần dần di truyền đến bây giờ, trung gian nhờ được những tay văn sĩ có tài bồi bổ vào mới gây ra được một lối văn chương riêng, nhưng âm luật cổ thời thất truyền đã lâu vậy.
Không những âm luật thất truyền mà đến sự tích trong giáo phường, ngày nay bọn ca công cũng không biết rõ nữa. Tuy mỗi năm xuân thu nhị kỳ có hát chầu hát phủ để tế tiên sư, nhưng hỏi tiên sư là ai thì bọn đó nói là Đông Phương Sóc, Lã Đồng Tân nước Tàu. Đông Phương Sóc là nhà văn sĩ đời Hán, sở trường lối văn chương khôi hài hoạt kê, không những phường ả đào, mà phường hát tuồng hát chèo cũng tôn làm tổ cả. Còn Lã Đồng Tân là người đời Đường, tu tiên đắc đạo, tương truyền là một vị trong bát tiên, thường gọi là Lã tổ, không biết vì tích gì mà cũng suy tôn như thế. Chẳng qua cũng là vơ quàng vơ xiên cho có thầy có tổ, chứ hai ông Tàu ấy có quan hệ gì đến âm nhạc của ta!
Theo tục truyền thì lối hát ả đào là gốc tự Thanh Hóa(1), mà do một vị công chúa tên là Bạch Hoa công chúa nghĩ chế ra âm luật và cách bộ. Cho nên ngày nay trong giáo phường vẫn phải kiêng chữ bạch đọc là biệc, chữ hoa đọc là huê. Nhưng mà cũng không biết bà công chúa ấy về đời nào, và làm sao lại đặt ra lối hát như thế. Có người khôi hài hơn ông Đông Phương Sóc muốn diễu cái cách gõ phách của cô đào, nói rằng bà công chúa vốn ở cạnh nhà đồ tể làm thịt lợn, ngày nào cũng nghe tiếng dao băm thịt, mới nghĩ ra điệu gõ phách, và đặt ra lối hát để phổ vào điệu ấy, nghĩa là cách đánh phách của cô đào là ở tiếng băm thịt của nhà bếp mà ra; đó cũng là một câu nói đùa vậy.
Xét đến đoàn thể cô đào thời các giáo phường xưa nay vẫn có kỷ luật nghiêm, phường nào có quản giáp, có cán sự phường nấy, giữ gìn danh giá cho nhau, không có dung những sự bậy bạ. Cô đào nước ta tuy là người kỹ nữ, nhưng không phải là gái giang hồ. Ngày nay ở nơi thành thị tuy cũng có nhiễm nhiều thói trăng hoa, nhưng ở chốn quê thời thường mùa xuân đi hát ở các đình, hay hát khao hát vọng ở các nhà sang, đến mùa cấy gặt hay mùa tằm tơ, lại về nhà làm lụng như con gái thường. Cô đào đời xưa chắc cũng có nhiều người tài đức, chỉ hiềm vì lịch sử các giáo phường, truyện ký các danh kỹ không sách vở nào chép, nên mỗi ngày mai một đi hết cả. Nay đọc trong sách Công dư tiệp ký còn thấy chép một truyện như sau này.
Làng Đào Xá, huyện Tiên Lữ, có một người con gái nhan sắc đẹp lắm làm nghề ca xướng có tài. Bấy giờ về cuối đời Hồ, người Minh sang xâm lấn nước ta đóng đồn khắp mọi nơi. Có một toán đóng ngay ở làng ấy.
Người Minh tính sợ muỗi, mỗi người may một cái túi to, tối đến chui vào túi nằm để tránh muỗi, sai một người ở ngoài buộc túi lại. Khi thức dậy thì người ngoài lại mở túi cho chui ra.
Nàng múa hát tuyệt hay, quân Tàu lấy làm thích lắm, và nàng lại khéo chiều ý, nên quân Tàu có lòng tin, hễ khi vào túi ngủ thì sai nàng thắt dải lại, khi thức dậy lại sai nàng cởi dải ra, đêm nào cũng thường như thế. Khi ấy dân làng phải quân Tàu tàn ngược, người cường tráng phải trốn đi hết cả, chỉ để lại một vài người già ở lại cung ứng. Nàng bèn mưu với các ông già, nhân khi quân Tàu ngủ say, bèn khiêng túi đến ném xuống khe nước bên cạnh làng, để cho trôi ra ngoài sông Cái, đêm nào cũng thế. Quân Tàu mỗi ngày hao mòn mãi đi, bèn đắp đất làm dấu để tượng xem binh số, thấy hao tổn mất quá nửa, không biết vì cớ gì, phải dời đồn đi đóng chỗ khác. Dân địa phương ấy mới được yên ổn. Người làng về sau nhớ ơn nàng, bèn lập đền thờ gọi tên thôn nàng ở khi trước là thôn Ả Đào.
Người kỹ nữ mà có cái can đảm, cái khí khái như thế, đời sau thờ thật là đáng lắm. Nào kẻ râu mày, mấy ai đã có cái gan liều mình để cứu dân cứu nước như thế?
Nhân nói chuyện ả đào thông minh dĩnh ngộ, có biệt tài về văn chương nôm, được tri ngộ với những bậc danh nhân một thủa. Cụ Nguyễn Công Trứ hồi chưa hiển đạt, còn là anh học trò kiết, ham chơi hát ả đào mà không có tiền. Có một cô đào nọ có tiếng là người nhan sắc mà lại tài tình, nhưng tính cao kỳ, cụ muốn đến gần mà không đến được, bèn nghĩ ra một kế: xin theo làm kép đàn. Nhân cụ đánh đàn hay, khi nào cô ta đi đám thì cụ quẩy gánh mà thằng bé con thì xách đàn theo sau. Một hôm đi được vài quãng đường đến chỗ đồng không quãng vắng, cụ mới giật mình nói lên rằng: "Ôi chao! Bỏ quên dây đàn ở nhà rồi!" Cô ta vội sai thằng nhỏ chạy trở lại lấy dây đàn, bấy giờ một mình một ả, muốn sao muốn vậy... Đến khi cụ làm đến Tổng đốc, nhân ngày sinh nhật mở tiệc, gọi ả đào vào hát, cô kia không biết tình cờ hay cố ý, cũng ở trong bọn ả đào ấy, khi vào chiếu hát, hát ngay một câu rằng:
Giang sơn một gánh giữa đồng.
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?
Cụ mới sực nghĩ ra, hỏi ra mới biết nàng chửa lấy ai, bèn lấy làm thứ thiếp. Khi cụ đi quân thứ dẹp giặc trên thượng du, xông pha lam chướng, chợt thấy người thứ thiếp lên theo hầu, cụ đọc bỡn một câu rằng:
Đành nhẽ bút nghiên mà kiếm mã,
Thương ôi! kim chỉ cũng phong trần!(1)
Nhưng mà tài tử phải tài tử như thế, giai nhân phải giai nhân như thế, dẫu có dan díu nhau cũng dung thứ được, vì nhờ đấy mới lưu truyền được mấy câu thơ tuyệt diệu, một câu chuyện mĩ đàm đó; chỉ sợ tài tử không được tài tử như thế, giai nhân không được giai nhân như thế, mà cũng ư hừ, cũng ứ hự, cũng khẳng khịu, cũng nhăng nhít, thời nhà đạo đức nên ra tay búa rìu là phải lắm!
Hát ả đào có nhiều lối lắm, khác nhau ở lời văn ít, khác nhau ở giọng hát nhiều. Có lối dâng hương, giáo trống, nghĩa là đọc mấy câu giáo đầu khi mới khởi hát; lối hát nói là lối thông dụng nhất; - lối dịp ba cung bắc, trong khúc hát có ba chỗ đổi điệu, chen cung nam cung bắc rồi chuyển sang cung pha; - lối gửi thư, đọc những lời thương nhớ tưởng vọng, văn thể hoặc là phú, hoặc câu lục bát hay lục bát gián thất, mà âm điệu thời khi thăng, khi trầm, khi phẳng sâm si nhau; - lối thét nhạc, tên này không biết ở đâu ra, có ông nói thét nhạc là thét nhạc đọc sai đi, lối này cổ lắm, tựu trung tình tứ vận điệu đã không liên hiệp, lại nhiều khi không hiểu nghĩa nữa; hoặc giả cổ nhân có bài bạc hẳn hoi mà rồi sau thất truyền đi, các ca công cóp nhặt những tục ngữ ngạn ngôn, tùy phách viết cho đủ câu, đến nay đời khác việc khác, mà ca nhi chỉ khẩu truyền tâm thụ không có phả kê cứu được; - lối dồn đại thạch, chắc là đại thực đọc sai đi, khúc này vừa hát vừa múa lúc yến thực tế lễ, văn thể lục bát; - hát miếu, cổ nhân chọn bài cho đào hát để thờ tế nơi tôn miếu, cho nên gọi là "hát miếu" dùng văn lục bát mà ngắt ra láy lên thành ra tứ lục bát; - hát thổng, nghĩa là đọc thông đi cho trơn chuốt êm ái rõ ràng, không phải ngâm ngư lên bổng xuống trầm gì cả; cách đọc thổng thì đọc được cả thơ tràng đoản thiên phú, ca, ngâm khúc như Thiên Thai, Chức cẩm hồi văn, phú Năm canh, Kiều, Chinh phụ, v.v...; Vọng cổ nhất danh là chử khi(1), khúc hát có sáu chỗ đặt hai chữ chử khi lên đầu khổ hát, nhân đó mà đặt tên; lối bợm gái tỉnh, bợm gái say, người ả đào vừa hát vừa làm bộ, bộ người say, người tỉnh, người điên, v.v...; - lối hãm, là mấy câu tứ lục bát đọc láy đi láy lại để hãm rượu trong khi tiệc mừng; v.v... Gần đây lại có lối sa mạc, giọng lên giọng xuống véo von hay lắm, nhưng lối này là lối mới ở đâu đường trong ra nguyên lối hát ả đào cũ của ta ngoài này không có. Cô đào ngày nay cũng hát tạp cả , sẩm, chèo, nhưng các lối đó là lối "hát ngang", không phải chính thức trong giáo phường.
Lát nữa quý nương đây là cô đào có tiếng trên hàng Giấy sẽ hát mỗi khúc một bài để các ngài thưởng giám.
Nói rút lại thời trong các lối hát ả đào, những lối mới là lối hát ngang, hoặc không thuộc trong ca phổ, hoặc mô phỏng giọng đường trong: những lối cũ như đại thạch, thét nhạc, thời cũ quá thất truyền, ngày nay ca công chỉ nhớ mấy bài lề lối, mà xét về văn từ âm điệu chủng chẳng trúc trắc, không biết xưa kia thế nào, bây giờ thời tuyệt nhiên không có văn chương gì cả. Duy chỉ có lối hát nói là thông dụng nhất, thịnh hành nhất, và có văn chương hơn nhất. Mà cái văn chương ấy tuy là văn chương du hí, nhưng có đặc sắc, có tinh thần các bậc danh sĩ đời xưa đời nay đều có tập cả, và nhiều bài có thể coi là những nền kiệt tác trong văn nôm ta. Bữa nay tôi diễn thuyết về "Văn chương trong lối hát ả đào", tức là diễn thuyết về "văn chương lối hát nói" vậy.
Theo cổ thời lối hát nói vừa đào vừa kép đều có hát cả: kép hát gọi là hà nam, hát trai, hay là nam xướng; đào hát thì gọi là hát nói, hát gái hay là nữ xướng; kép hát trước rồi đào hát lại mà theo y như âm điệu và bài kép đã hát thì gọi là hà liễu. Xưa phân biệt như thế, nhưng nay hát nói duy có đào hát mà thôi.
Hát nói là những câu nói lối xếp lại thành vần, để mà hát lên. Câu hát từ bốn chữ đến bảy chữ, chín chữ là vừa, bài hát thì mười một câu là đủ; nhưng cũng có khi một câu cùng đến hai ba mươi chữ, khúc khuỷu lạ lùng, tục gọi là gối hạc; cũng có bài dài đến mười chín ngoại hai mươi câu, tục gọi là dôi khổ. Nhưng dù câu nhiều chữ hay ít chữ, bài trường thiên hay đoản thiên, lúc hát lên vào phách ra phách, đều có phép nhất định, không khác gì nhau.
Song chính thức của lối hát nói là 11 câu, chia làm ba đoạn, hai đoạn trên mỗi đoạn bốn câu, đoạn dưới có ba câu: câu 1, 2 là tổng mạo; 3, 4 là thừa đề; 5, 6 dùng thơ thất ngôn, ngũ ngôn chữ hay là nôm, là hai câu cốt tử đứng giữa như trèo lên ở giữa khúc cái đại ý trong toàn khúc; từ câu thứ bảy đến câu thứ mười là nói diễn giải rõ ràng cái ý tứ nghĩa lý sáu câu ở trên. Còn câu thứ 11 là tổng kết cái ý nghĩa cả bài. Các câu trên đều đi đôi cả, duy có câu dưới cùng bao giờ cũng buông lẻ xuống, là vì phách bản xưa chế đến đấy mới hết dịp, nếu không thì câu ca đã hết rồi mà dịp phách hãy còn.
Lệ thường trên, bài hát nói hay có bốn câu ca tứ lục gọi là mưỡu, có người nói mưỡumạo, nghĩa là bốn câu "tổng mạo" trùm cả bài; có người nói mưỡumiếu, nghĩa là hát khoan dung nghiêm chỉnh như hát miếu.
Văn thể "hát nói" trúng cách thời đại khái như bài Ông phỗng đá của cụ Nguyễn Khuyến, thường gọi là cụ Tam nguyên Yên Đổ, không những văn thể trúng cách, mà ý tứ rất thâm trầm, thật là một áng văn chương tuyệt bút. Tôi xin đọc cả toàn thiên để các ngài nghe.
Bắt đầu bốn câu mưỡu:
Người đâu tên họ là gì?
Khéo thay chích chích chi chi nực cười,
Giang tay ngửa mặt lên trời,
Hay là còn nghĩ sự đời chi đây?
Rồi đến bài hát:
1. Trông phỗng đá lạ lùng muốn hỏi:
2. Cớ làm sao len lỏi đến chi đây?
Đó là hai câu nhất nhì tổng mạo rồi đến hai câu ba bốn là câu thừa đề:
3. Hay tưởng trông cây cỏ nước non này
4. Chi cũng rắp chen chân vào hội lạc?
Rồi đến hai câu thơ chữ thất ngôn, tổng quát đại ý cả bài:
5. Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc,
6. Thương hải thùy tri ngã diệc âu?
(Nghĩa là núi xanh tự cười ta sắp đầu bạc, bể biếc nào hay ta cũng là con chim âu? Ý nói rằng ta nay đã sắp trở về già, ta cũng muốn mũ ni che tai, chi chi chích chích như ông phỗng đá cho khỏi bận mình, để giữ lấy cái tự do, sự nhàn hạ của ta).
Rồi đến bốn câu thứ 7 đến thứ 10 là những câu phô diễn cái ý đó:
7. Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu.
8. Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác.
9. Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác
  Chén chú, chén anh, chén tôi chén bác
(Hai câu này cũng là một, vì cũng là một vần trên hát "dôi" ra).
10. Cuộc tỉnh say say tỉnh cùng nhau,
11. Nên chăng đá cũng gật đầu!
Câu sau cùng đó có sáu chữ buông lẻ xuống, và tóm tắt đại ý cả bài.
Nên chăng đá cũng gật đầu! Người đời ngu ngu xuẩn xuẩn, chẳng qua cũng là một lũ chích chích chi chi mà thôi, bảo gì mà chẳng gật đầu? Nhưng mà họ làm "phỗng đá", mà họ không tự biết là phỗng đá, vì bổn tính họ là phỗng đá; ta đây tuổi tác đã già, việc đời đã chán, công danh để lại cho con em, tiêu dao ta chỉ giữ lấy cảnh nhàn, ta cũng muốn làm phỗng đá, nhưng ta làm phỗng đá mà ta biết ta là phỗng đá, tưởng cũng có khác với kẻ kia vậy.
Ấy cái chí khí của các cụ ngày xưa như thế. Đời bây giờ ai là người có cái tư cách cao thượng mà làm được ông phỗng đá có tri thức như các cụ? Phần nhiều là những phỗng đá vô ý thức, nghĩa là những phỗng đá thật, không muốn chi chi chích chích ở một xó nhà, lại muốn chích chích chi chi ở những chỗ cộng đồng, nơi đàn điếm, để làm cái trò chơi cho khách thế giới xem chung.
Cụ Phó bảng đồng tỉnh Phan Văn Ái họa bài Ông phỗng đá cũng làm một thể hát nói, tuy ý nghĩa khác mà cũng thâm trầm và lý thú lắm. Lời rằng:
Mưỡu:
Non thiêng khéo đúc nên người,
Trông chừng sành sỏi khác người trần gian.
Trải bao gió núi mưa ngàn
Đã già già sóc, lại gan gan lỳ.
Nói:
1. Gan lỳ già sóc,
2. Há non chi mà sợ cóc chi ai
3. Người là người tớ cũng là người
4. Nhằm cho kỹ vẫn tranh vanh đầu giốc.
5. Tương tri tằng thức năng công ngọc.
6. Mạc luyện như hà khả bổ thiên,
(Nghĩa là: người biết biết rằng rũa được ngọc, không luyện làm sao vá được trời?)
7. Thôi mặc ai răng trắng răng đen,
8. Thế như thế cũng ngồi yên như thế vậy.
9. Còn trời đất hãy còn tai mắt ấy.
10. Lặng mà coi họa thấy lúc nào chăng?
11. Hẵng về rã gạo ba trăng!
Không biết tôi đoán có đúng không, nhưng chắc cụ Bảng Phan họa bài Ông phỗng đá đó có muốn ngụ ý tả cái tình cảnh nước Cổ Việt ta; nếu như thế thì ngụ ý cũng sâu sắc thật. Ừ, giống mình bây giờ cũng là một lũ chích chích chi chi thật, sánh với người cũng chẳng bằng ai thật; còn làm được cái gì, mà muốn nói chuyện gì nữa? Chẳng qua là một đám phỗng đá mà thôi! Nhưng mà cũng chớ nên phụ bạc. Người là người, ta cũng là người chớ sao? Mà ta lại được khí thiêng của nước non này chung đúc, dẫu chẳng sành sỏi hơn người, nhưng cũng đã trải biết bao gió núi mưa ngàn trong bốn ngàn năm có lẻ, nếu cái số phải tiêu diệt thời cũng đã tiêu diệt tám đời rồi, còn đâu đến bây giờ! Song đã sống được đến giờ, chẳng gì cũng đã già già sóc, gan gan lì, còn non nớt chi mà phải sợ cóc chi ai? Mà biết đâu đấy? Ta là khối đá thật, mà đá biết dùng lại chẳng rũa được ngọc sao? Đá khéo luyện lại chẳng vá được trời sao? Nhưng mà thôi, gặp lúc hẩm hiu thời cũng phải tạm thời chịu vậy; thế đã như thế, ta cũng phải ngồi yên như thế vậy; miễn là đừng nên thất vọng mà sinh lòng chán nản. Còn trời còn đất, giống ta hãy còn đấy, lặng mà coi họa thấy lúc nào chăng? Bây giờ anh em ta hẵng cứ chăm chút việc thường ngày, mà về nhà giã gạo ba trăng để đợi đến mùa sau họa may được phong đăng hòa cốc!
Ấy tôi tưởng cái thâm ý của tác giả như thế. Văn chương du hí mà có cái ý nghĩa thâm trầm như thế, há chẳng phải là đại văn chương dư? Mà một thứ tiếng sản được những văn chương như thế, há phải là tiếng nghèo sao? Tôi dám đố những ai Hán văn thật giỏi, Tây văn thật tài, thử đem dịch mấy bài "Phỗng đá" đó xem có được không? Cho toẹt bút lông, cong bút sắt, cũng chửa chắc diễn được cái tinh thần; vì cái tinh thần ấy là cái quốc túy của ta đó. Một thứ quốc âm đã mang được cái quốc túy như thế, ai dám cả gan làm cho tiêu diệt? Nhưng mà thôi, nói làm chi cho rườm lời, nói làm chi cho sốt ruột. Quốc âm ta cũng tức như cái phỗng đá nọ, đã trải bao năm gió núi mưa ngàn, già sóc gan lì rồi, há non chi mà sợ cóc chi ai?...
Bây giờ, chiêm đã qua rồi, mùa còn chưa tới, anh em ta hẵng nên gia công giã lấy ít gạo ba trăng để ăn dùng lúc này mà đợi đến mùa sau. Cũng chớ nên thở vắn than dài, lo quanh nghĩ quẩn làm gì cho nhọc trí, nhọc xác; túi vũ trụ đã có đàn em sau gánh vác! Ta nên chơi, chơi cho vung cho thích, chơi cho đáo để, chơi cho lăn lóc đá, cho mê mẩn hồn; chơi cho thủng trống long bồng! Người có biết chơi thời mới biết làm, và chỉ có kẻ trượng phu mới biết chơi một cách hào hùng. Người bần tiện bủn sỉn không biết đâu được những cái thú phong lưu đó.
1. Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mà việc gì không đắc ý, việc gì mà mua não chuốc sầu làm chi? Việc gì mà làm ra mặt ưu thời mẫn thế? Ngồi một xó mà thở dài, phỏng có đổi được thời thế chăng?
2. Nào thơ, nào rượu, nào trà,
     Nào là con hát, nào là tổ tôm.
3. Đường tơ gẩy khúc Cao sơn
4. Thôi cũng mặc càn khôn tràn quí tị.
Không phải là liều, nhưng mà đã chơi thời chơi cho thích chí, bao giờ làm sẽ hay.
3. Mặc bần tiện mà mặc ai phú quí,
4. Hãy ăn chơi cho phỉ chí tang bồng.
Thơ rằng:
5. Bất tác phong ba ư thế thượng.
6. Tự vô băng thán đáo hung trung
(Nghĩa là: đừng có làm gió bão trên đất bằng, chớ có để băng thán vào trong bụng). Phải coi mọi sự trên đời thoáng qua như đám phù vân, đừng để bận gì đến trong lòng; giữ lấy tấm lòng trong sạch để gửi cái chí to tát sau này. Nên chẳng vội chen đua với đời làm chi, sự được thua cũng là lẽ thường:
7.  Buổi phong vân chi vội tao phùng,
8.  Cơn đắc táng, hội cùng thông là thế thế.
9.  Rồi ra nữa buổi đời người thế.
10. Mang công danh mà ỷ thị với giang san.
11. Chơi cho rõ mặt ngang tàng(1)
Ấy cổ nhân chơi là chơi thế, chơi cho rõ mặt ngang tàng, chứ không có chơi đến táng thân hại chí. Các cụ chơi là hoặc những lúc đợi thời, muốn tiêu sầu khiển hứng, không để cho trong lòng bận những sự danh lợi nhỏ nhen ở đời, để nuôi lấy cái khí hạo nhiên mà mưu những công nghiệp lớn; hoặc là khi đã đắc chí hiển vinh rồi, cũng không bị sự vinh hoa nó bó buộc, bao giờ cũng muốn giữ lấy cái cảnh nhàn, nghĩa là giữ lấy cái quyền tự do độc lập của mình. Bao nhiêu bài hát của các cụ để lại, đều có một cái khí khái như thế cả.
Như bài sau này của cụ Cao Bá Quát, ý nói rằng lúc chưa gặp thời dẫu phong trần lưu lạc cũng chớ nên oán vưu, chẳng qua là tạo vật muốn thử kẻ có tài.
1. Chẳng lưu lạc dễ trải mùi trần thế.
2. Còn trần ai khôn tỏ mặt công hầu.
3. Ngất ngưởng thay con tạo khéo cơ màu.
4. Muốn đại thụ hẵng gìm cho lúng túng.
Tạo vật đối với người có chí, thường hay khắt khe, là có ý muốn trao cho cái nghiệp lớn thời phải thử cho đến điều. Cho nên người có chí không nên thấy những sự trắc trở ở đời mà ngã lòng nản chí; ấy con tạo đố ta đấy.
5. Thân hệ bang gia chung hữu dụng,
6. Thiên sinh hào kiệt bất ưng hư!
(Nghĩa là: cái thân này là của nhà của nước, tất phải có việc dùng; ông Trời kia đã sinh ra kẻ hào kiệt, há lại để bỏ không sao?) Ấy các cụ chơi mà có đến quên nghĩa vụ đâu, có đến quên cái thân mình là của nhà của nước đâu? Chẳng qua là chửa gặp thời, chửa có dịp thi thố, như cá chưa gặp nước, rồng chửa gặp mây đó mà thôi:
8. Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu,
7. Thời chi hĩ, ngư long biến hóa.
9. Thôi đã biết cùng thông là mệnh cả,
10. Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi.
11. Hơn nhau cũng một chữ thì.
Vẫn biết thế, nhưng mà biết chọn thời tưởng cũng khó lắm, phải là người chí khí mà lại có tri thức mới được, không thời cứ nói là đợi thời, biết đợi đến bao giờ cho gặp? Quanh mình ta biết bao nhiêu kẻ kém hèn biếng nhác, không làm được việc gì, cũng tự an ủi rằng: "sinh bất phùng thời", cho đến chết cũng là "sinh bất phùng thời". Thời há vì ta mà thời đến sao? Hay là ta phải thừa thời mà ta ra? Kẻ trượng phu là người biết đợi, nhưng mà cũng biết quyết, biết án giữa thời cơ mà ra thi thố. Người tầm thường thời chỉ biết đợi mà không biết gặp, rút cục bỏ phí mất quang âm của trời đất, mà đeo đẳng cái thân vô dụng ở trên đời. Hơn nhau cũng một chữ thì, thật phải lắm.
Lại bài sau này của cụ Thượng Nguyễn Công Trứ tả cái cảnh ở giữa vòng danh lợi mà chán ngắt, muốn thoát ra cho khỏi, khỏi rồi nghĩ mà nhẹ mình:
1. Chen chóc lợi danh đà chán ngắt.
2. Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao!
4. Đám phồn hoa chót bước chân vào,
3. Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết!
3. Quá giả vãng nhi bất thuyết.
4. Cái hình hài làm thiệt cái thân chi?
3. Cuộc đời thử ngẫm mà suy,
4. Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
5. Hẹn với lợi danh ba chén tửu,
6. Vui cùng phong nguyệt một câu thơ.
(Đây không dùng thơ chữ mà dùng hai câu thơ nôm)
7. Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
8. Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
9. Mặc xa mã thị thành không dám biết,
10. Thú yên hà trời đất để riêng ta.
11. Nào ai ai biết chăng là!
Dẫu ai biết hay ai chẳng biết, ta cũng chẳng hề gì, miễn là thoát được khỏi danh cương lợi tỏa, gần được nơi vui thú yên hà, là đắc ý. Miễn là giữ được cái nhàn, thế là sướng hơn cả.
Một chữ nhàn đó là cái đầu bài thông thường của các cụ. Nhàn đây không phải làm ăn dưng ngồi rồi, làm con người vô dụng ở đời; nhàn là tự do, là độc lập, là không hệ thuộc ai, không luồn lụy ai, giữ được chọn cái chí cao thượng của mình. Tuy đời này là đời cạnh tranh hoạt động thật, nhưng mà xét cho kỹ được mấy kẻ là hoạt động chánh đáng; phần nhiều người chẳng qua là quay cuồng xuẩn động cho nhọc trí nhọc xác vô ích mà thôi. Những người ấy cũng nên ngẫm nghĩ một chữ nhàn mà lấy những câu thơ câu văn của cổ nhân làm bài học.
Đã hay rằng ở đời ai cũng có việc, nhưng cũng chớ nên hì hục lắm cho nhọc nhằn:
1.... Đành vũ trụ giai ngô phận sự,
2. Cũng tiêu dao cho tuế nguyệt thêm trường
3. Văn thương thương hề thủy ương ương.
(Nghĩa là: mây xanh xanh, nước man mác).
4. Phong quanh ấy người sao nên phụ?
5. Nhược đãi công thành danh toại hậu.
6. Nhất đôi lão cốt dĩ lăng tằng.
(Nghĩa là: ví đợi cho đến lúc công thành danh toại mới hưởng cái thú nhàn, thời bấy giờ thân mình chẳng qua là một đống xương già chồng chất đó thôi).
Đã thế thời:
7. Sơn chi nam, sơn chi bắc, chi Tung Hằng,
8. Chắc đâu chuyện phù binh tán tụ.
9. Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ.
10 Một túi thơ hoa nguyệt nguyệt hoa,
7. Khi cờ vây, khi bài lá, khi tiếu ngạo, khi cầm ca.
8. Nhận phong vị hào hoa làm lạc thú.
9. Chỉ Lô Tản ngắm cùng thảo thụ.
10. Cuộc tỉnh say say tỉnh ai hay?
11. Thử xem con tạo sao này!(1)
Con tạo vốn nó bất nhân lắm, nó thường cho người ta cái chí to mà không cho người ta đủ sức đủ năm cho hành được chí mình. Ác nghiệt nhất là nó hạn cái năm tuổi cho người ta, một đời người thấm thoát được mấy chốc, lúc tráng niên nghĩ đến khi tuổi già mà ngao ngán chẳng muốn làm gì nữa:
1. Gẫm cho đến bất nhân là tạo vật,
2. Đã sinh người lại hẹn lấy năm!
3. Nói chi thằng lên bẩy đứa lên năm,
4. Dẫu sống ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc?
3. Mà bận những lợi danh vinh nhục,
4. Cõi phù sinh đành lắm lúc bi hoan.
3. Tưởng đến khi hoa rữa trăng tàn,
4. Cảnh huống ấy bút thần khôn mạc!
5. Tế suy vật lý tu hành lạc
6. Hà dụng phù danh bạn thử thân?
(Hai câu Đường thi, nghĩa là: Xét kỹ lẽ vật, chỉ nên chơi cho vui, cần gì mà đem cái danh tiếng hão để buộc lấy mình?)
7. Song bất nhân mà lại chí nhân,
8. Hạn lấy tuổi để ta chơi lấy.
9. Cuộc hành lạc được bao nhiêu là lãi đấy.
10. Vậy ai ơi! Chơi lấy kẻo già!
11. Một năm một tuổi xuân qua(1)
Cái tư tưởng đời người thấm thoắt, một buổi qua, nên kíp mà hưởng lấy cái quang âm của trời đất, bài hát nào cũng có ngụ ý như thế.
1. Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ,
(Nghĩa là: người ta sống trong trời đất như một người đi dọc đường ở trọ).
2. Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày?
3. Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay,
4. Sực nhớ chữ cổ nhân bỉnh chúc.
(Người đời xưa hiềm vì nỗi ban ngày ngắn quá, chơi không thỏa chí, phải đốt đuốc đi chơi đêm).
5. Cao sơn lưu thủy thi thiên trục
6. Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền.
(Nghĩa là: Núi cao nước chảy thơ nghìn cuốn, gió mát trăng thanh rượu một thuyền).
7. Giang tay người tài tử khách thuyền quyên,
8. Chén rượu thánh câu thơ thần thích chí.
9. Thành thị ấy mà giang sơn ấy;
10. Đâu chẳng là tuyết nguyệt phong hoa?
9'. Bốn mùa xuân lại thu qua,
10'. Đời người thấm thoắt như là con thoi.
11. Cho hay kẻ thế người đời! (1)
Kẻ thế người đời lắm khi cũng phiền mà cũng dại. Đã biết thân mình là một kẻ nghịch lữ trong trời đất, thì tội gì mà buộc lấy cái danh lợi mà làm chi. Đối với công danh, đối với tiền tài, ta cũng nên thảng nhiên mà đừng thiết tha cho lắm, vì hai cái ấy là hai cái nó làm khổ người ta đệ nhất. Ta nên lấy triết lý mà xét công danh là gì, tiền tài là gì, tất cũng nẩy ra cái quan cảm như các cụ đời xưa không chịu để cho những cái đó bận đến lòng.
1. Cuộc công danh không không có có
2. Có rằng không không có cũng ừ!
3. Nào ai hay trời đất những bao giờ,
4. Mà đã chắc non sông là mấy tuổi?
5. Hồn hồn nhất đại khối,
6. Diểu diểu như nghĩ quần.
(Nghĩa là: Trời đất như một khối lớn, người ta nhỏ như một đàn kiến).
7. Lọt lòng ra ai cũng có quân thân
8. Mang lấy nợ lẽ lần khân không trả.
9. Cuộc kim cổ bày thôi lại xóa.
10. Cái râu mày nào biết dại hay khôn?
11. Trăm năm cũng một tiếng đồn!(1)
Bài này có triết lý thâm trầm lắm. Công danh là gì? Người ta đã sinh ra trên đời, ai cũng có nhà có nước, nợ nước nợ nhà phải trả cho trọn, chẳng qua là cái nghĩa vụ phải thế, nói làm gì những chữ công danh? Công với ai mà danh với ai? Hay là lấy công danh với tạo vật? Nhưng mà tạo vật là một cái đại khối ù lì, thân mình là một con kiến nhỏ mọn, công với danh của mình thì ăn thua gì cho tạo vật? Hay là lấy công danh với người đời? Nhưng mà người đời bất trắc, sự đời bất thường nay thế này mai thế khác, cuộc kim cổ bày thôi lại xóa, biết thế nào là dại khôn, biết lấy gì làm bằng cứ mà nói lập công danh với một lũ phất phơ đó? Cho nên kẻ thế nhân thường nói những câu như: "danh lưu thiên cổ, công chép sử xanh", là nói láo nói khoác cả. Công danh chẳng qua chỉ là một tiếng đồn mà thôi! Mà đã chắc sau lưng mình, không phải đợi đến sau thân mình nữa, người ta đồn hay hay dở?...
Ấy công danh là thế. Nay tiền tài thế nào?
1. Kim chi nhân duy tiền nhi dĩ,
  (Người đời này chỉ tiền mà thôi)
2. Hết tiền tiêu tráng sĩ cũng nằm co!
3. Chẳng khôn ngoan cũng chẳng thânoasơ.
4. Có hơi kẽm mới tha hồ ngang ngửa.
5. Toán lai thế sự kim năng ngữ,
6. Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh.
(Nghĩa là: Tính đến thế sự chỉ có tiền là nói được; kể đến nhân tình thời thanh gươm muốn kêu lên). Ấy cái thói đời đê tiện như thế, tranh nhau chỉ vì chút hơi đồng. Nhưng mà người tài tình không có lẽ theo những thói tham lam keo cúi đó:
7. Dơ dáng thay những mặt tài tình,
8. Cơ quắp lắm cũng ra hình thủ lỗ
9. Nghìn vàng hết, hết rồi lại có.
10. Chữ bất nhân tạc đó không mòn.
11. Ai ôi! Giữ lấy lòng son(1)
Ấy đó là cốt nhất. Công danh cũng chẳng cần, phú quý cũng chẳng cần, tiền bạc cũng chẳng cần, vinh hoa cũng chẳng cần, vì những cái đó là những cái phụ thuộc ở ngoài, có rằng không, không có cũng ừ! Nhưng mà một tấm đan tâm, một mảnh lòng thành, ta phải giữ cho trong sạch, cho vẹn tròn, vì cái đó là liền với ta, ta hay cũng vì đó mà ta dở cũng vì đó. Đeo cái bụng tà tâm, cái lòng phản trắc thì giàu sang mà làm gì?
Ấy cổ nhân ta, những lúc chơi bời, cũng thổ lộ ra những lời cao thượng, lời trung trinh, lời hùng hồn, lời khảng khái như thế, dù câu hát giọng ca mà cũng bày ra những bài học rất thanh cao cho người đời.
Mà những bài học ấy phô diễn ra một cách tự nhiên biết bao nhiêu, một cách lưu loát biết bao nhiêu, một cách mát mẻ biết bao nhiêu, một cách véo von biết bao nhiêu! Lối văn chương này là lối văn chương không bó buộc, nhẹ nhàng thanh thoát, như nước suối chảy, như gió thỏang qua, có thế mới diễn được những cái tư tưởng cao xa man mác như thế. Tôi tưởng không có nước nào văn chương du hí mà cũng có nghĩa lý thâm trầm như thế. Mà các cụ soạn ra những bài này có phải là nghiền ngẫm nghĩ ngợi gì đâu, nhiều khi tức tịch ứng khẩu mà đặt ra cho ả đào hát, như thế lại càng đủ tỏ cái chí khí tự nhiên.
Tôi tiếc không thể đọc được hết những bài hát nói hay, cũng không thể kể được hết những câu hay trong những bài của các cụ để lại, để chứng cho các ngài biết cái lối văn chương ấy thanh thú là dường nào. Tôi nhặt được kể cũng đến hơn hai trăm bài cổ, phần nhiều không biết của cụ nào làm; một phần thời tương truyền là của cụ Thượng Nguyễn Công Trứ, cụ Cao Bá Quát, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, cụ Thượng Vân Đình Dương Khuê, v.v...; nhưng có bài cũng không biết chắc hẳn là của cụ nào, vì mỗi người nói một khác. Song những bài cổ với bài kim bây giờ khác nhau hẳn, trộn cũng không lẫn được, vì cái chí thú của cổ nhân với cái chí thú người bây giờ cách xa nhau lắm.
Cái chí thú của cổ nhân thế nào, các ngài nghe đọc mấy bài vừa rồi đó, cũng đủ biết qua rồi. Mấy bài đó là thuộc về lối "thuật hoài", nghĩa là tả cái lòng hoài bão của các cụ. Nhưng mà văn hát nói không phải chỉ có lối thuật hoài mà thôi; văn hát nói là văn chơi, vậy thời tả cảnh, tả tình, nói đùa nói bỡn cũng phải có. Tôi xin kể qua mấy bài thuộc về các lối ấy, để gọi là thiệp liệp đủ các thể văn cho xứng với cái đầu bài diễn thuyết bữa hôm nay.
Văn tả cảnh thời như mấy bài hát về phong cảnh chùa Hương của cụ Thám Vũ Phạm Hàm(1) và cụ Nghè Chu Mạnh Trinh cũng có nhiều câu hay lắm. Bài cụ Vũ làm lối hát trường thiên, có mấy câu rằng:
... Mặt trời gác bóng cây xê xế.
Tản vân in đáy nước rành rành
Chim trời mấy chiếc lênh đênh,
Cây mai thu rập rềnh năm bảy lá.
Chú tiểu tử ruổi rong bến đá,
Lũ ngư ông quảy cá qua cầu.
Cỏ cây xanh ngắt một màu,
Núi trước núi sau mình ở giữa.
Đoàn mục tử bóng chiều vừa ngả.
Dắt trâu về lả tả đầu ghềnh.
Trong hang thăm thẳm một mình...
... Niệm Na mô A di đà phật,
Mảng vui chơi mà quên phắt đường xa.
Quả mơ non với nước mơ già,
Trong chân cảnh nhìn ra chân vị.
Trong bụi rậm đàn chim thỏ thẻ,
Dưới rừng xanh mấy chị tìm mơ...
Bài của cụ Nghè Chu cũng tương truyền có mấy câu này hay:
... Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt.
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây...
... Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe nước cá nghe kinh.
Thỏang bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng...
Lại bài của cụ Dương Khuê, có mấy câu kết về cảnh Hương Sơn cũng thú:
... Rõ ràng đệ nhất Nam thiên,
Mang đi sợ để quần tiên mất lòng.
Thôi thì để đấy chơi chung!
Cảnh chiều hôm mà như mấy câu này cũng là một bức họa nhỏ:
Trải non nước xa trong ban tịch chiếu,
Bức phong vân ai khéo vẽ vời?
Dưới kim ô con bạch nhạn bóng loi thoi,
Đông bích lãng tiếng ngư ca gắng gỏi(1)...
Nhưng mà trong các cảnh, cảnh mùa thu là cảnh nên thơ nhất. Mùa thu mà chở thuyền trên hồ,
Gió trăng chở nặng một con thuyền,
Thơ một túi, rượu một bầu,
Tiếng ti trúc nhặt khoan doành nước biếc(2)
thời còn gì thú bằng.
Nhưng mà cảnh thu mà lại có trăng mới thật là tuyệt thú:
1. Xinh thay tiết thu thiên quang cảnh.
2. Khi lạc hà dãi bóng tà dương!
3. Một con thuyền cậy bút bèn giang
4. Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc.
(Nước thu cùng với trời rộng một màu)
3' Vầng ngọc thỏ in sông vằng vặc.
4'. Giữa giang tâm bóng lộn mấy tầng!
3''. Trên một trăng, dưới một trăng.
4''. Xui lòng kẻ hữu tình ngao ngán.
5. Thùy bả kim bôi phân lưỡng đoạn.
6. Bán trầm thủy để bán thiên thai.
(Nghĩa là: ai cầm chén vàng chia hai đoạn, nửa chìm đáy nước, nửa lưng trời).
7. Vầng trăng ai xẻ làm hai
8. Nửa in dưới nước nửa cài trên không?(1)
Bài này có lẽ cổ lắm, thể cách hơi khác lối thường: đoạn thừa đề dôi ra bốn câu, mà đoạn phô diễn ở dưới chỉ có hai câu là dịch nghĩa hai câu thơ chữ; còn câu bỏ lẻ không có; không biết thật thế, hay là bản sao của tôi chép sót?
Thuộc về lối tả cảnh, có bài tả cảnh sông Lư Giang như sau, cũng là một bài cổ, hơi khác thể cách thường:
Xinh thay mấy Lư Giang phong nguyệt.
Nước trong xanh lẫn với sắc trời xanh
Tổng mạo
Sóng nhấp nhô toan nhẩy lên ghềnh,
Bóng cổ thụ rung rinh muốn lội.
Chiếc ngư ông ra vào len lỏi,
Buông chài hoa tựa lái bên sông.
Vạch ngàn lau tìm lối thong dong;
Nương gậy trúc lên đường đủng đỉnh.
Trong lữ quán lâm dâm đèn hạnh,
Ngoài phê đê lấp lánh gương thu.
Thừa đề và phô diễn (không có hai câu thơ chữ)
Xinh thay cảnh vật sông Lư (2)
Tổng kết
Hát ả đào không thể không nói chuyện tình; quan viên với cô đào không thể không có khi dan díu nhau. Ta thử xem các cụ đời xưa có lôi thôi như các ông đời nay không. Lôi thôi thời chắc cũng lôi thôi, nhưng xem ra lôi thôi một cách tao nhã và diễn ra những lời văn chương rất thú vị. Các cụ cũng lẳng lơ, cũng trăng hoa lắm, mà cô đào chắc cũng chẳng kém gì:
Trông trăng trăng cũng nực cười,
Nhìn hoa hoa cũng lắm lời thế ư? (1)
Các cụ chơi ả đào, nhiều khi là chơi ngất ngưởng:
Ngoài là thú mà trong là tình... (2)
Mà ở đời duy có tình mới là thú:
Trong trần thế thực là cảnh giả,
Dứt tài tình chẳng cũng uổng lắm ru?
Xin xin đừng oán mà ngu(3)
Có ai lại sẵn lòng oán tình bao giờ? Nhưng cái tình lắm lúc nó cũng rầy rà lắm:
Nợ tính tình rầy lắm chị em ơi!
Đã dan díu chót vay rồi phải trả.
Khi đón gió, khi chờ trăng, khi xem hoa khi bẻ lá,
Điệu đồng tâm nấn ná biết là bao!..(4).
Tình tưởng là một sự chơi, ai ngờ thành ra cái nợ cũng rầy thật. Lúc đầu mình tưởng là dan díu chơi cho vui, ai ngờ mình dan díu, người ta cũng dan díu lại, đã chót vay thời phải trả, vay trả trả vay, hai bên đắp đổi, mà thành ra nấn ná qua ngày... ấy sự tình là thế, mà nợ tình cũng là thế, nhưng nợ tình là nợ phong lưu, làm tài trai không thể tránh được.
Song chỉ ghê một nỗi, đã mắc vào khó gỡ cho ra:
Đa tình mới dữ,
Mắc míu vào đố gỡ cho ra?
Khéo ghẹo người một cái tinh ma,
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy?...
Tình huống bút thần khôn tả vẽ,
Càng đa tình càng ngốc càng si.
Cái tình là cái chi chi?(1)
Thế ra các cụ khôn ngoan như thế mà cũng chưa giải được cái tình là cái chi chi. Có cụ bi quan quá cho cái tình là cái dại đó mà thôi:
1. Cái tình là cái dại,
2. Nợ phong hoa rước lấy mà chơi.
3. Nực cười thay chẳng gốc đẻ ra lời,
4. Đố ai rũ làm sao cho trắng khỏi?
5. Đám trẻ vui quanh trò múa dối,
6. Cuộc tỉnh say lẩn giấc chiêm bao.
7. Thôi đoái thương phỏng nhớ lại vơ sầu,
8. Lẩn thẩn hẹn hò trăng, van vỉ gió.
9. Ấy mới biết tình kỳ là nợ đó,
10. Uẩy thợ trời còn vẽ ra chi?
11. Thà ngu, thà ngốc, thà si!(1)
Gì thì gì, chứ chớ nên dại mà mắc phải cái nợ tình:
Thôi thôi, chớ từ rày dại mãi,
Chữ đa tình là cái vô tình.
Gặp nhau ta thử làm thinh(2)
Nhưng mà thế cũng vô tình quá thật. Vả việc gì mà phải làm thinh như thế? Mình đểnh đoảng, tưởng dễ người ta thiết tha lắm sao? Tưởng dễ người ta không biết phận hay sao?
1. Sách có chữ "vô tình tiễn biệt"
2. Khách với mình xưa quen biết chi nhau?
3. Quê quán đâu mà nhà cửa ở đâu,
4. Ngán vì nỗi nước lã ao bèo thêm đểnh đoảng.
3''. Thảm thiết chi mà giọt ngọc tuôn rơi,
4'' Mai mốt đã ngược xuôi người một xứ.
5. Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ,
6. Nhàn vân tây vãng thủy đông lưu.
(Nghĩa là: Chim nhạn bay về phía Đông, chim hồng bay về phía Bắc, đám mây đi về phương Tây, nước chảy về phương Đông).
7. Khách về nhà đã có bạn khâm trù,
8. Vui vẻ đêm thu cùng mở tiệc.
9. Đây cũng ôm cầm theo liễu mạch,
10. Thú cầm ca còn lắm khách vui chơi.
11. Kia kìa cá nước chim trời!(1)
Ấy cái dan díu của quan viên với cô đào thường khi là thế, quan viên cũng biết thế mà cô đào cũng biết thế, có ai lầm đâu? Muốn gọi đó là tình thì gọi, muốn gọi đó là duyên thì gọi, gọi cho nó trang nhã thêm, chứ rút cục cũng là chuyện "nước lã ao bèo chi đểnh đoảng" cả. Tình đâu lại có dễ gây, duyên đâu lại có dễ bén như thế? Nhưng mà thời hồ cũng có kẻ giai nhân tài tử tri ngộ nhau mà thành ra dan díu cùng nhau. Lạ gì người tài hoa gặp được khách phong tình, nhiều khi cảnh ngộ không hẹn mà hợp nhau, kia lênh đênh đây cũng lênh đênh.
Thưa cô, cô cũng như tôi(2)...
... Thôi bút nghiên sênh phách ông đều sai.
Trông nhau nói nói cười cười(3)!
Trước còn cười cười nói nói sau bỗng tự nhiên:
Lệ Giang Châu chan chứa bởi vì ai(4)?
Trong cái cảm tình mới mẻ ấy, có yêu mà lại có thương, có thương mà lại có tiếc, có tiếc mà lại thêm quý trọng bội phần:
Gẫm lại phấn chưa phai hoa chưa rã,
Ví đem vào kim ốc há nhường ai?
Từ đâu lỡ một lầm hai!(5)
Yêu, thương, tiếc, quý, mà muốn ra tay tế độ vớt lấy cái họa giữa đường, ấy các bậc danh sĩ đời xưa mà lấy vợ ả đào cũng là do một cái lòng từ bi bác ái như thế.
Bởi thế nên các cụ dịch bài Tì bà hành của ông Bạch Cư Dị cho ả đào hát, mà bài ấy dần dần thành một bài hát thông hành nhất:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu...
Người hát hát đến những câu ấy thường khi có giọng não nùng, mà người nghe nghe đến những câu ấy cũng thường khi trong lòng tê tái, vì cái cảnh người thương phụ bến Tầm Dương với cái cảnh ông Tư mã đất Giang Châu đó tức là cái tâm sự chung của nhiều người văn nhân kẻ kỹ nữ vậy:
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau...
Nhân nói về bài Tì bà, cũng nên nhắc đến lối văn dịch của các cụ; các cụ không những làm bài hát hay, mà nhiều khi dịch bài hát lại thần nữa, như bài Tì bà này tương truyền là của cụ Thượng Trứ, tưởng dịch đến thế đã là tài lắm, những bài phú Xích bích, bài thơ Thiên Thai, bài văn Chức cẩm v.v... đều là văn dịch cả. Thơ dịch mà đến như bài Thu hứng của Đỗ Phủ, các cô đào thường đọc trước bài Tì bà, thời tưởng không lời nào chải chuốt mà réo rắt bằng, có phần hay hơn bài chữ:
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn lau hiu hắt khí thu mờ.
Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc thêm tuôn, dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt khối tình già.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao xích.
Thành quạnh gần xa bóng ác tà(1).
Giọng đìu hiu mà man mác biết dường nào!
Nhưng các cụ đã tài lối văn tả tình tả cảnh, mà các cụ cũng tài lối văn nói bỡn nói đùa nữa. Giọng hoạt kê của các cụ có lý thú vô cùng. Như bài Ông đồ với cái đồ sau này, lời như sỗ sàng, nhưng mà cũng khéo tả thật.
1. Thầy đồ là người tài bộ,
2. Quẩy cầm thư đi giáo thụ phủ Vĩnh Tường.
3. Trước nha môn thiết một học trường.
4. Dạy giăm đứa "chi, hồ, dã, giả".
3'. Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ,
4'. Ra hồ sen xem ả hái hoa.
3''. Ả hớ hênh ả để đồ ra.
4''. Đồ trông thấy đồ ngâm ngay tức khắc:
5. Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc.
6. Thủy diện vi mang bạng thổ thần.
(Nghĩa là: trước gió sặc sỡ bông hoa nở, mặt nước mập mờ trai thè miệng).
7. Đồ ngâm rồi đồ đứng tần ngần,
8. Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc.
9. Suốt năm canh đồ nằm khôn nhắp,
10. Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia!
11. Đồ đâu gặp gỡ làm chi! (2)
Có lẽ tác giả chính là thầy đồ cổ đó tự làm bài hát để tự trào.
Lại ông Tú Xương, chắc các ngài đã biết tiếng cả, tuy về gần ta, nhưng cũng cho là bậc tiền bối được, có hai "Câu đối tết" sau này, cũng là giọng tự trào và là thể hoạt kê, lời văn dễ dãi như lời nói thường, thế mà hay, ấy cái đặc sắc của lối văn ông là thế.
1. Nhập thế cục bất khả vô văn tự,
2. Chẳng hay ho cũng phải nghĩ một bài.
3. Huống chi đã đỗ tú tài,
4. Này tết đến cũng phải một vài câu đối.
Đối rằng:
5. Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài.
6. Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.
(Nghĩa là: Thanh giá cực phẩm nhân gian là người có tính tình phong nguyệt; phong lưu rất mực trên đời là người có khí cốt giang hồ. Hai câu ấy đặt toàn những chữ sáo cả, cố làm ra lối câu đối khuếnh khoáng mà vô vị).
7. Viết vào giấy dán ngay lên cột,
8. Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
9. Rằng: "hay thì thực là hay,
10. Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài?
11. "Xưa nay em vẫn chịu ngài!"
Bà Tú chịu ông Tú không phải chịu về đôi câu đó, chính là chịu về cái ngông của ông, cái ngông ấy hơn hai mươi năm về trước đã khét cả một xứ Bắc kỳ!
Thưa các Ngài,
Bài diễn thuyết này đã dài quá rồi. Các ngài chắc nóng muốn nghe giọng hát hay của quý nương đây. Tôi bữa nay làm "anh kép tạm thời", trống không biết đánh, đàn không biết gẩy, mà ngồi nói dông dài trong bấy lâu, không khỏi làm mất thì giờ của các ngài. Vậy xin các ngài miễn chấp cho và cũng cám ơn các ngài đã chịu khó nghe được lâu như thế.

(Nam phong, số 69, năm 1923)
 In lại trong Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nguyễn Đức Mậu giới thiệu và biên soạn, Nxb Văn hóa thông tin. H.2003. Nxb Quân đội tái bản H.2017. 



(1) Din thuyết tic tháng Hi Khai Trí Tiến Đức ngày 29 tháng 3 năm 1923.

(*) Phm Qunh (1892-1945) hiu Thượng Chi, quê Hi Dương, ch bút báo Nam Phong, tác gi Thượng Chi văn tp.

(1) Trích bài "Năm năm, tháng tháng, ngày ngày" (mưỡu) ca c Thượng Dương Khuê Vân Đình. Các bài hát phn nhiu không có tên, hoc tên là t người sao lc đặt ra. Vy trong bài din thuyết này, nhng câu nào trích bài nào thi c biên cái câu đầu bài y làm tên c bài, như thế va d tìm d nhn: câu đầu y hoc là câu đầu mưỡu hay là không có mưỡu thi là câu đầu hát.

(1) Theo S tích cô đầu, mt cun sách có t thi Khi Định thì truyn t quê đào là C Đạm, Hà Tĩnh. (N.b.s)

(1) Chuyn này đã thut trong bài Nam âm thi văn kho bin ca ông Tú Đông Châu N.P... s 20, tháng 2 năm 1919.

(1) Tc ch khi. (N.b.s)

(1) Bài này không truyn rõ ca c nào.

(1) Không biết rõ ca c nào.

(1) Không biết rõ ca c nào.

(1) Không biết rõ ca c nào.

(1) Không truyn rõ ca c nào.

(1) Theo Nguyn Ngc Minh, trên Thanh Ngh s 37 (16.5.1943), bài: Mt  s nhm chung v tác gi bài "Hương Sơn phong cnh ca" thì tác giĐoàn Trin.

(1) Không truyn rõ ca c nào.

(2) Trích bài Nht thiên lý sc trung thu nguyt, không truyn rõ ca c nào.

(1) Không truyn rõ ca c nào.

(2) Sông Lư (hay là Lò) tc là sông Tuyên (Riviêre Claire), bài này c lm, không rõ ca c nào.

(1) Trích bài Trăm năm ai chng bc đầu (Mưỡu), tương truyn ca c Dương Khuê Vân Đình.

(2) Trích bài Đường sĩ hon l công cho chính, bài c, không truyn ca ai.

(3) Trích bài Thế nhân mc oán tài tình ly bài c, không truyn ca ai.

(4) Trích bài Ngó lui ngó ti tương truyn ca c Dương Khuê Vân Đình.

(1) Trích bài: "Đa tình mi d", bài c không truyn ca ai.

(1) Không truyn ca c nào

(2) Trích bài Trăm năm ai chng bc đầu, truyn là ca c Dương Khuê Vân Đình.

(1) Không truyn ca c nào.

(2) Trích bài Ph mu cù lao kim th nht, ca c Dương Lâm Vân Đình.

(3) Trích bài Hi c lc tht niên tin s, ca c Dương Khuê Vân Đình.

(4) Trích bài Da thâm hi c thiếu niên s, ca c Dương Khuê Vân Đình.

(5) Trích bài Thiên lý huyn ca khai thng tch, không truyn rõ ca c nào.

(1) Không truyn rõ ca c nào dch, có l là c Thượng Tr.

(2) Không rõ truyn ca c nào.